Nếu là một người thường xuyên cập nhật tin tức hay những dòng trạng thái trên các trang mạng xã hội thì có lẽ cụm từ “thử thách 6 ngày 6 đêm” hay “gét gô” không còn xa lạ gì. Vậy Gét gô là gì? Nếu muốn biết câu trả lời thì đừng bỏ lỡ bài viết sau của z2k.info nhé!
Gét gô là gì?
Từ đầu tháng 4 năm 2022, cụm từ “Gét gô” bắt đầu trở nên viral trên toàn mạng xã hội Facebook, TikTok, Instagram, kèm theo đó có thể nhắc tới là thử thách 6 ngày 6 đêm “làm gì đó”. Câu khẩu hiệu hàii hước trên được áp dụng vào các thử thách thú vị như: Không nhắn tin cho crush, không muốn trà sữa trân châu, không mở app shopee hay đi học chỉ ngồi cười với bạn bè và không làm gì cả…
Có lẽ “Gét gô” chẳng phải quá khó để đoán với các bạn trẻ hoặc với bất kỳ ai đã có vốn tiếng Anh cơ bản thông thường, bởi từ này chỉ đơn giản được biến tấu từ cụm từ “Let’s go!” – có nghĩa là “đi nào”, do phát âm chệch mà thành.
Thông qua cách phiên âm tiếng Anh chuẩn xác với phương ngữ Nam Bộ của Việt Nam, let’s go được biến thành gét gô – cụm từ được dùng với sắc thái hóm hỉnh và hài hước hơn. Trong trường hợp này, gét gô thể hiện sự kiên định, quyết tâm. Một số người dùng cách nói dí dỏm này để lôi kéo một ai đó cùng đồng hành hoặc thực hiện điều gì đó. Nhưng thay vì thực sự thực hiện nghiêm túc, những lời kêu gọi này thường mang tính mỉa mai, châm biếm, gây cười bởi chúng khá khó thực hiện, thậm chí bất khả thi đối với khá nhiều người.
Nguồn gốc của Gét gô
Gét gô được xác định là xuất phát từ 1 clip ngắn đăng tải trên kênh TikTok của TikToker Tới Trời Thần (nick @anhtoi4), người chuyên làm những video “thử thách” đậm chất thôn quê dân .
Trong clip được đăng tải trên mạng vào ngày 02/04/2022, chủ tài khoản đã hạ quyết tâm thực hiện đến cùng thử thách:“6 ngày 6 đêm nằm dưới đống sình lầy”, và kết thúc bằng lời cam kết mạnh mẽ “gét gô”. Video đậm tính hài hước, kèm cách phát âm sai một cách dễ thương đã khiến dân mạng cười nghiêng ngả. Để rồi “gét gô” nhanh chóng thành trend mà cư dân mạng, đặc biệt là giới trẻ – người thường xuyên cập nhật từ điển gen Z, không thể bỏ lỡ. Từ đó, “gét gô” phủ sóng mạnh mẽ trên mạng xã hội.
Chẳng ai rõ anh chàng Tới Trời Trần có vượt qua thử thách hóc búa này thành công hay không. Thế nhưng câu cửa miệng rất đỗi bình thường trên đã trở thành một từ mới và được cập nhật nhanh chóng vào “Từ điển Gen Z”. Dân mạng cũng theo đó mà tích cực “đu trend”, liên tục tung ra những clip hài hước hô vang khẩu hiệu “Gét gô” hoặc tự đặt bản thân mình vào các thử thách muốn… ngã ngửa, không chỉ hài hước mà còn rất bất khả thi, phi logic.
Sau khi video thu hút được một lượng đông đảo lượt xem, tài khoản này lại tiếp tục tung ra các video thử thách khác nhau và không quên kèm theo câu nói quen thuộc Gét gô vào mỗi video. Vì thế nên nhiều bạn trẻ cũng đã hào hứng sử dụng từ Gét gô thay cho từ tiếng Anh Let’s go và tham gia vào các thử thách khó đỡ này. Không chỉ có thế, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng và cả streamer cũng bắt trend này. Điều này khiến cho từ Gét gô nhanh chóng được lan rộng và trở nên phổ biến, được cộng đồng mạng biết đến rộng rãi, trở thành hot trend trong thời gian gần đây.
Ở thời điểm hiện tại, clip của anh chàng Tới Trời Thần đã nhận về tới 8 triệu lượt xem cho 1 clip. Tài khoản TikTok của anh dù mới tham gia cách đây không lâu cũng đã thu về con số gần 150 nghìn followers và 2,2 triệu lượt thích, bên cạnh đó, trend “6 ngày 6 đêm” của anh còn tiếp tục khuấy đảo trên nền tảng này.
Đây không phải là lần đầu tiên một cụm từ ở đâu đâu bỗng nhiên thành trend dành được tình yêu của dân mạng. Suốt thời gian qua, những cụm từ quen thuộc như:”tới công chuyện”, “u là trời”, “ét ô ét”… cũng từng khuấy đảo, “làm mưa làm gió” trên Facebook.
Tại sao “gét gô” tạo được hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ đến vậy?
Sau loạt clip có phần dân dã và hài hước của TikToker Tới Trời Thần, nhiều người đã mạnh dạn tham gia thử thách “6 ngày 6 đêm… gét gô.” Từ những người dùng TikTok nổi tiếng từ lâu, trào lưu này dần lan truyền mạnh mẽ trên các nền tảng khác như Facebook, Youtube, Instagram.
Theo GS. Nguyễn Văn Khang, tác giả cuốn sách Ngôn ngữ mạng, việc sử dụng biến thể của tiếng Anh bên cạnh tiếng Việt – tiếng mẹ đẻ của chúng ta, là một đặc điểm nổi bật và đặc trưng của ngôn ngữ mạng tiếng Việt.
Dân mạng thường Việt hóa cách viết và đọc tiếng Anh theo 3 cách như: Từ tiếng Anh được viết và đọc bằng tiếng Việt theo phỏng âm; Từ tiếng Anh được đơn tiết hóa theo kiểu tiếng Việt; Thay đổi theo âm của địa phương.
Gét gô cũng bắt nguồn từ lối dùng từ tiếng Anh theo kiểu tiếng Việt (Vinglish) khi học ngoại ngữ, đặc biệt là những từ tiếng Anh không chuẩn. Cách Việt hóa này cũng đã từng xuất hiện rất nhiều tại Việt Nam như SH (đọc là “xe ét hát”), honda (đọc là “hông đa”)…
Hiện tượng này cũng không lạ lẫm gì đối với những quốc gia xem tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2. Tiếng Anh-Việt, Anh-Nhật, Anh-Thái đều có những biến thể mới lạ, độc đáo khác nhau mà đôi khi người bản địa cũng không thể nào hiểu được. Tuy nhiên, chính việc “nhập gia tùy tục” này lại giúp các ngoại ngữ vốn khó nhằn trở nên gần gũi và “dễ sử dụng hơn.
TikTok là nền tảng mạng xã hội chia sẻ video ngắn được gen Z sử dụng thường xuyên và cũng là nơi khai sinh ra nhiều từ mới, trở thành trào lưu. Ngoài ra, việc các nền tảng mạng xã hội đình đám khác như Facebook, Instagram Reels chia sẻ nhiều liên tục lại càng khiến cho cụm từ này được sử dụng rộng rãi, phổ biến hơn.
Một vài ví dụ có sử dụng “Gét gô”
Cùng nhau xem một vài ví dụ thú vị được các bạn trẻ vận dụng từ gét gô nhé:
- Thử thách sống 6 ngày 6 đêm với 100k, không xin tiền mẹ dù mẹ có cho cũng không bao giờ nhận. Gét gô!
- Thử thách giận dỗi người yêu 6 ngày 6 đêm dù có năn nỉ cũng không chịu. Gét gô!
- Thử thách đi học không nói chuyện 6 ngày 6 đêm. Gét gô!
- Thử thách không lướt mạng xã hội 6 ngày 6 đêm. Gét gô!
- Thử thách theo đuổi người yêu cũ 6 ngày 6 đêm. Gét gô!
- Thử thách ôn thi chăm chỉ 6 ngày 6 đêm. Gét gô!
Ngoài ra “gét gô” cũng trở thành câu cửa miệng quen thuộc của cư dân mạng. Một số ví dụ điển hình như:
- Tui đã chuẩn bị một tâm hồn đẹp để đi Đà Lạt rồi! Gét gô!
- Thử thách nghỉ lễ 30/4 – 1/5 đưa bạn gái về ra mắt gia đình. Gét gô.
- Có nhiều bài để học quá nên hãy đi ngủ! Gét gô!
- Nghe MV mới của Sơn Tùng MTP 6 ngày 6 đêm liên tục. Gét gô Sky!
- Đi vòng quanh Hồ Tây đến 2h sáng. Gét gô!
Giới trẻ bắt trend Gét gô tích cực
Bên cạnh những câu nói hài hước, thay vì đưa ra một thử thách phi thực thế thì Nguyễn Ánh Ngọc, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, lại mượn trend đang nổi rần rần này để đưa ra mục tiêu mới cho bản thân phấn đấu. Cô thử thách bản thân phải tập thể dục đều đặn và ăn uống khoa học trong 6 ngày 6 đêm để nhận thấy sự thay đổi tích cực của cơ thể.
“Thay vì đặt những mục tiêu phi thực tế không thể thực hiện được thì các bạn hãy thử đưa ra thử thách mà mình có thể làm được nếu cố gắng hết sức. Việc ăn uống một cách khoa học và tập thể dục đều đặn trong 6 ngày 6 đêm chắc chắn sẽ giúp cơ thể mình khỏe mạnh hơn. Mình cũng có thể tự tạo ra trend cho bản thân khi đưa ra thử thách tập thể dục thể thao trong 365 ngày chẳng hạn”, Ngọc chia sẻ.
Ngoài ra, là một giáo viên dạy bộ môn tiếng Anh nên Nguyễn Trần Mẫn Châu (23 tuổi, cựu sinh viên của ĐH Sư phạm TP.HCM) sẽ cho những học sinh của mình bắt trend Gét gô bằng việc học từ vựng tiếng Anh liên tục trong 6 ngày 6 đêm.
“Đây là một trào lưu thú vị, hài hước mang lại niềm vui cho những người trẻ tuổi trên mạng xã hội. Nhưng bên cạnh việc chỉ bắt trend để nhằm mục đích giải trí, đặt ra những thử thách phi thực tế, hoang đường thì tại sao các bạn không thử tự mình đặt ra những thử thách khó nhưng mang lại giá trị thiết thực cho bản thân. Chẳng hạn, bạn có thể đặt thử thách học 200 từ vựng tiếng Anh trong 6 ngày 6 đêm… gét gô”, anh Châu chia sẻ.
Hi vọng thông qua bài viết, z2k.info đã giúp bạn đọc hiểu được ý nghĩa Gét gô là gì cũng như nguồn gốc và cách sử dụng của nó. Bên cạnh viết bắt trend để nói chuyện vui vẻ với bạn bè, hãy tự tạo ra những thử thách thật sự cho bản thân mình và “gét gô” nhé!